Ba con khỉ


Ba con khỉ

Mắt để thấy, tai để nghe, miệng lưỡi để nói là những khả năng mà không ai muốn thiếu. Người nổi tiếng trong vùng còn gọi là người tai mắt. Người có tai thính và mắt sáng, theo chiết tự chữ Hán là người thông minh (聰明) vì chữ thông 聰 có bộ nhĩ (là tai) và chữ minh 明 có bộ nhật và bộ nguyệt tượng trưng cho hai con mắt (chữ minh này còn có nghĩa là sáng mắt). Ý của chữ thông minh muốn nói là người sáng tai, sáng mắt thường sáng dạ vì nhờ nghe thấy được nhiều mà nẩy ra trí tuệ. Ấy vậy mà không phải tất cả mọi vật đều nên thấy, mọi lời nên nghe và mọi điều nên nói. Cần có một giới hạn và sự phân biệt khôn ngoan!

Tại đền Toshogu ở Nikko, Nhật Bản, người ta thấy một điêu khắc cổ có hình 3 con khỉ: một con lấy 2 tay che mắt: không muốn thấy chuyện gai mắt; một con lấy 2 tay che tai: không muốn nghe chuyện chướng tai; một con lấy 2 tay che miệng: không muốn nói lời không tốt. Hay nói cách khác, 3 con khỉ này đưa ra một phương châm xử thế: “Không ngó bậy, không nghe bậy, không nói bậy (See no evil, Hear no evil, Speak no evil).
(xem tiếp: bấm vào Read more)

Tại sao người xưa dùng ba con khỉ để biểu tượng việc này? Trong tiếng Nhật, không thấy,không nghe, không nói là “Mi-zaru, kika-zaru, iwazaru”. Nếu phát âm không rõ, hay muốn chơi chữ, “zaru” nghĩa là “không” có thể nghe mường tượng như “saru” nghĩa là con khỉ, mà lập lại 3 lần, có lẽ đó là lý do người ta khắc hình 3 con khỉ tại Nhật bản. Vấn đề dùng âm từa tựa của vật để chỉ ý khác rất thường thấy trong ngôn ngữ loài người. Người dân miền Nam nước Việt hay dùng bốn trái cây mảng cầu, dừa, đu đủ, xoài để chưng trong ngày Tết vì họ phát âm bốn trái cây ấy là Cầu Dừa Đủ Xài để nói lên mong ước được “Cầu Vừa Đủ Xài”.

Nguồn gốc ba ý niệm “Không ngó bậy, không nghe bậy, không nói bậy” này có thể bắt nguồn từ lời dạy của Khổng Tử chép trong sách Luận Ngữ, (chương 12): phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn. 1 Người Âu Tây nhìn vào 3 con khỉ này có thể liên tưởng đến câu châm ngôn của họ: “Muốn sống bình an thì phải đui, điếc, câm” 2 châm ngôn này lại càng đúng cho người lớn tuổi. Đến một tuổi nào đó, mắt bắt đầu mờ, tai bắt đầu lãng, chúng ta khỏi nghe thấy những chuyện bực mình. Người ta cũng tìm thấy trong một tác phẩm của Niccolao Manucci, một bác sĩ người Ý, sống tại Ấn Độ hạ bán thế kỷ thứ 17, tả 3 pho tượng được khắc trên tường nhà thờ São Paulo tại Ấn Độ. Một tượng thì lấy 2 ngón tay che mắt, một tuợng lấy 2 ngón tay bịt tai, một tượng thì đặt một ngón tay lên môi. Dưới 3 pho tượng có khắc câu: ai không thấy, nghe, nói, có thể sống một cuộc đời không lo. Cũng có thể hình điêu khắc ba khỉ này chịu ảnh hưởng của Thiền Phật giáo.

Theo nhà Phật, Tâm của người ta được so sánh với con khỉ, vượn (Tâm Viên) vì khỉ đứng ngồi không yên, hay nhảy nhót, khọt khẹt, phá phách. Tâm của con người nếu không kềm nó lại, nó cũng suy nghĩ lung tung, hết nghĩ chuyện này đến chuyện nọ, nên sinh ra loạn động, phiền não. Khi sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi,thân, ý tiếp xúc với lục trần là 6 thứ cám dỗ bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà không dính không nhiễm, lúc đó hành giả được an tâm, được lục thông. Ngược lại, nếu mắt ham nhìn cái đẹp, tai mê nghe lời ngọt, mũi thích ngửi mùi thơm, lưỡi ham ăn vật ngon…để tâm mình bị mê loạn thì lục căn của mình trở thành lục tặc tức là 6 tên giặc phá hại sự thanh tu. Có lẽ người Nhật tu Thiền ngày xưa dùng ba con khỉ nói trên dạy sự kiểm soát ba giác quan: mắt, tai, lưỡi khi tiếp xúc với trần cảnh để không ngó bậy, không nghe bậy, không nói bậy. Nếu như vậy vẫn còn thiếu 3 con khỉ nữa tượng trưng cho: không ngửi bậy, không nghĩ bậy và không rờ bậy!

Categories: Thư giãn | Nhãn: | Bình luận về bài viết này

Điều hướng bài viết

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.